Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Thể thơ lục bát - Ngô Toàn Thắng

Thể thơ lục bát
Ngô Toàn Thắng

Thơ lục bát có từ thưở nào cũng không ai khẳng định chính xác được, chỉ biết rằng nó đã có sẵn trong kho tàng ca dao, tục ngữ truyền miệng từ bao đời nay và đặc biệt ấn tượng trong lời ru của bà, của mẹ mà hẳn mỗi chúng ta đã hơn một lần được nghe những câu thơ lục bát trong giai điệu đằm thắm, yêu thương ấy.
Thơ Lục Bát, còn được gọi là thơ "Sáu Tám", vì theo nghĩa Hán Nôm chữ Lục là sáu (số 6), còn chữ Bát là tám (số 8). Một cặp đôi trên sáu dưới tám song hành liên tiếp cho tới khi cảm thấy ‎mọi điều diễn tả trọn ‎vẹn‎‎ thì dừng, không có một quy ước khắt khe nào buộc phải hạn chế số lượng câu thơ trong một bài như thể thơ Đường (thất ngôn bát cú : bảy chữ tám câu). Thông thường, bài thơ Lục Bát dừng lại ở câu Bát. Tuy nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ tùy cảm xúc và ‎‎quyết định của tác giả.
GIEO VẦN
Thơ lục bát chủ yếu gieo vần Bằng (dấu huyền gọi là Trầm bình thanh và không dấu gọi là Phù bình thanh). Chữ thứ sáu câu Lục vần với chữ thứ sáu câu Bát, sau đó chữ thứ tám câu Bát lại vần với chữ thứ sáu câu Lục tiếp theo.
Có hai loại vần được sử dụng trong thơ lục bát đó là Vần Chính (hoàn toàn trùng nguyên âm mà chỉ khác phụ âm hoặc trùng cả nguyên, phụ âm nhưng khác dấu, có thể Phù bình thanh hoặc Trầm bình thanh đều được, có khi chỉ là nguyên âm đơn hoặc kép mà không có phụ âm như a với à, au vơi àu :
Từ trong hạt nắng đỏ au
    Ngân lên tiếng mẹ ru: àu ả ơi …)
Vần Thông (nguyên âm lân cận gần giống nhau còn thanh âm và phụ âm thay đổi)
Ví dụ : Vần chính cùng nguyên âm khác phụ âm đứng trước – phụ âm đầu và khác bình thanh (ta – nguyên âm a phù bình thanh, là cũng nguyên âm a nhưng trầm bình thanh vì có dấu huyền).
“Trăm năm trong cõi người ta
    Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.
                           (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Vần thông các nguyên âm cùng họ a, ă, â; o, ô, ơ; u, ư;… và các nguyên âm kép cũng gần họ tương tự như: au, âu, oi, ôi, ơi, ui, ưi v.v…nhưng còn phụ thuộc vào phụ âm đứng sau - phụ âm cuối của từ: cùng là nguyên âm a nhưng phụ âm cuối là ng sẽ không thể vần với nh: (ang không vần với anh)
* Riêng về từ ngữ và vần điệu ta sẽ bàn đến ở một chuyên mục khác sâu kỹ hơn cho các thể loại thơ.
“Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
                          (Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Nhau với dâu, đâu với đau là vần thông cùng phù bình thanh.          
Hoặc : trời với hồi là vần thông cùng trầm bình thanh:
“Hoàng hôn lặn cuối chân trời
    Lòng anh thổn thức, bồi hồi nhớ em”.
LUẬT BẰNG TRẮC:
Đây là phần rất quan trọng tạo nên nhịp điệu và tiết tấu của thơ nói chung trong đó có thơ Lục Bát. Thống nhất viết tắt như sau: B là Bằng, T là Trắc, (V) là Vần.
Câu Lục: B B T T B B (V)
Câu Bát: B B T T B B (V) T B (V)
Ví dụ : Bốn câu thơ dưới đây chưa bàn đến ‎tứ và nội dung mà chỉ quan tâm đến sự niêm luật chính tắc cả về luật bằng trắc và phù trầm bình thanh đan xen nối tiếp: Chữ hùng vần trầm bình thanh khác với chữ cung là phù bình thanh, nhưng nối sang trầm bình thanh của chữ cầm, sau đó lại vần với chữ lâm khác phù bình thanh… nghĩa là các chữ sáu trầm phù liên tiếp và các chữ tám cũng vậy tạo nên một tiết tấu trầm phù liên hoàn uyển chuyển mới được coi là THƠ LỤC BÁT CHÍNH TẮC NIÊM LUẬT. Gọi tắt cho dễ nhớ là: “Vần Huyền - Không liên tiếp”.
B B T T B B
Ai vô xứ Huế anh hùng
B B T T B B T B
Làm ơn giúp hộ vài cung lẩy cầm
B B T T B B
Hoàng thành vũ giáng lâm thâm
B B T T B B T B
Văn lâu, bến Ngự âm thầm đợi ai?
Do đó Nếu giữ niêm luật thì câu Kiều sau đây phải dịch như sau :
Câu Lục: Trăm năm | tại cõi | người ta
Câu Bát: Câu tài | chữ mệnh | khéo là | ghét nhau
Câu Lục: Kinh qua | một cuộc | bể sầu
Câu Bát: Bao điều | mắt thấy | mà đau | đớn lòng (tiếp vần câu Lục sau)
Nhịp điệu thanh bình như sau: ta-là-nhau-sầu-đau-lòng…
Nhưng như vậy thì xem ra gò ép và khó chấp nhận nên chúng ta đồng ‎ quay lại bản dịch quen thuộc in trong các sách đã xuất bản về Truyện Kiều.
“Trăm năm trong cõi người ta,
    Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”...
Ở đây ta nhận ra sự thay đổi bất luận, biệt lệ của câu thơ vì vậy phải bàn thêm về điều BIỆT LỆ - BẤT LUẬN này:
Tuy luật bằng trắc đã qui định như ở trên, nhưng những chữ thứ 1, thứ 3 và thứ 5 nếu không theo đúng luật thì cũng không sao. Cái biệt lệ ấy được gọi là "nhất, tam, ngũ bất luận", có nghĩa là chữ thứ 1, chữ thứ 3 và chữ thứ 5 không kể (bất luận), tức không nhất thiết phải theo đúng luật. Còn các chữ thứ 2, chữ thứ 4, và chữ thứ 6 bắt buộc phải theo đúng luật (phân minh), do câu "nhị, tứ, lục phân minh".
Chúng ta đã gặp nhiều bài thơ phá luật, phạm lệ tùy ‎hứng nhưng vẫn được chấp nhận và sự phá có ‎ dụng đồ ấy tạo nên một ấn tượng đặc biệt không thể thay thế hoặc sửa đổi được, nhưng không nên lạm dụng để rồi lẫn lộn giữa sáng tạo và nhầm lẫn hoặc không nắm vững luật thơ.
Ví dụ :Thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp người làm thơ đổi thanh chữ thứ hai câu 6 từ thanh bằng sang thanh trắc; còn chữ thứ tư thì có khi đổi thành thanh bằng thay vì thanh trắc như thường lệ. Câu 6 cũng được ngắt ra làm hai phần.
Chẳng hạn:
Mai cốt cách | tuyết tinh thần (B T T T B B)
Mỗi người | một vẻ | mười phân | vẹn mười (T B T T B B T B)

Ðau đớn thay | phận đàn bà (B T B T B B)
Khi tựa gối | khi cúi đầu (B T T B T B)

Ðồ tế nhuyễn | của riêng tây (B T T T B B)
Sạch sành sanh vét | cho đầy túi tham (T B B T B B T B)
                                                  (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hoặc : Nếu bình thường niêm luật câu thơ sau đây sẽ là:
B B T T B B
Lo nhiều quá hóa thành thơ,
B B T T B B T B
Thành lời hát Ghẹo, câu hò, điệu Xoan.
Nhưng tác giả muốn nhấn mạnh và gây ấn tượng về nỗi đợi chờ của người phụ nữ Việt Nam nuôi con, chờ chồng đi kháng chiến nên đã chuyển trọng âm và phá luật nhằm thay đổi tiết tấu như kiểu đảo và nghịch phách trong âm nhạc:
B T B T B B
Lo quá /nhiều / hóa/ thành thơ,(2/1/1/2)
Sau đó lại trở về tiết tấu ôn hòa, bình thản, dịu êm:
B B T T B B T B
Thành lời/ hát Ghẹo/, câu hò/, điệu Xoan.(2/2/2/2)
LỤC BÁT BIẾN THỂ
Đời người tất phải mê say,
Lặn lội đêm ngày đi khắp mọi nơi.
Đừng vì những chuyện “tày trời”,
Mà quên gốc, rễ cây đời, cố hương.
Xin làm chiếc lá bình thường
Để lại trên đường một chút bóng che
Cho vơi cái nắng trưa hè.
Đông về ủ ấm bờ tre cuối làng.
Lục Bát Biến Thể là thể Thơ Lục Bát biến đổi cách gieo vần không theo niêm luật sáu tám mà là từ thứ sáu câu Lục vần với từ thứ tư câu Bát, còn có tên gọi khác là: “Gieo vần lưng”. Thứ tự thanh âm cũng vì thế mà thay đổi tùy theo từng cách đặt vần.
Ví dụ:
B B T T B B
Bầm ra ruộng cấy bầm run
B T T B B T T B
Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non.
(Bầm ơi = Tố Hữu)
Sử dụng biến thể không nên tùy tiện mà phải thể hiện ý đồ của người làm thơ nhằm nhấn mạnh điều cần miêu tả. Ở câu thơ này chúng ta nhận ra cái lưng còng của Bầm và bàn chân lội bùn trong trời mưa phùn, gió bấc; thật gian truân cơ khổ nhưng Bầm vẫn nhận nại chịu đựng tin tưởng vào thắng lợi ngày mai…
Hay câu thơ dưới đây:
Xin làm chiếc lá bình thường
    Để lại trên đường một chút bóng che
Trường hợp này xét về thanh thì thường và đường đều cùng dấu huyền tuy không Huyền – Không liên tiếp nhưng nhần mạnh độ cao của bóng chiếc lá đổ xuống mang hình âm bản của chiếc lá thật trên cao làm ta liên tương tới cái nắng trưa hè oi ả được nép mình trên những tán cây xanh…
Thơ Lục bát còn bao điều phải trao đi đổi lại vẫn không hết được. Tùy theo cảm xúc của mỗi người sẽ cho ra các thi phẩm khác nhau…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...